Hình ảnh bà Tiên trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Trong thế giới cổ tích, có thể nói nhân vật bà Tiên là nhân vật được yêu thích nhất sau nhân vật ông Bụt. Tùy vào mỗi câu chuyện sẽ có sự xuất hiện của ông Bụt hay bà Tiên. Bài viết này sẽ nói về hình ảnh bà Tiên trong các câu chuyện cổ tích Việt Nam và thế giới, một hình ảnh gợi cho các bạn đọc khát vọng được sống đẹp, được sống trong một xã hội công bằng mà cái thiện chiến thắng cái ác.

Ý nghĩa của nhân vật Bà Tiên

Nhân vật bà Tiên cũng là một nhân vật hư cấu được dân gian tưởng tượng và miêu tả với hình dạng là một bà lão có mái tóc bạc, gương mặt phúc hậu hiền từ và mặc trang phục sáng màu. Bà Tiên có phép thuật hiền hậu và hay giúp đỡ người tốt, người bất hạnh và đương nhiên sẽ trừng trị những kẻ xấu xa, độc ác. Cũng có những câu chuyện bà Tiên sẽ không xuất hiện ngay với hình dạng đẹp đẽ như thế mà sẽ hoá thân thành một nhân vật khác có thể là một bà lão bị hủi, một bà lão ăn mày,… để thử lòng xem ai là người tốt bụng và thật sự cần được giúp đỡ.

Một số câu truyện cổ tích có hình ảnh Bà Tiên

Cô bé trong truyện cổ tích “Bát cơm nguội” đã gặp bà Tiên. Mỗi ngày mẹ vào rừng lấy củi, mẹ chỉ để phần cho em một bát cơm nguội. Bà lão ăn mày ra rạch rưới, đói khốn ba lần đến nhà, cô bé đã cho bà cả ba bát cơm nguội của em. Cả ngày phải nhịn đói, nhưng cô bé vẫn rất vui tươi. Một ngày nọ, mẹ em bị ốm nặng, cô bé quyết định vào rừng để tìm lá thuốc cho mẹ. Khi sắp bị hổ vồ lấy thịt thì bà lão ăn mày ấy lại xuất hiện. Hổ dữ phải bỏ chạy khi bà đội cao chiếc gậy tre. Bà trao cho cô bé một nắm lá rừng vào chiếc giỏ và ân cần dặn dò: “Về nhà mới mở ra”. Nhờ lá thuốc được bà lão ăn mày cho mà mẹ của em đã khỏi bệnh. Khi đã về nhà, em mở giỏ ra và thấy trong giỏ đầy vàng. Lúc đó, cô bé mới biết ra bà lão ăn mày ấy chính là bà Tiên. Lòng tốt của cô bé đã được bà Tiên đền đáp một cách xứng đáng khi em đã nhường hết phần cơm của mình cho bà mà không hề suy nghĩ gì.

Câu chuyện cổ tích tiếp theo có sự xuất hiện của bà Tiên chính là “Bà Tiên dưới đáy giếng”. Câu chuyện kể về hai chị em nhà nọ, cô chị thì rất lười biếng suốt ngày chỉ biết rong chơi, còn người em thì lại chăm chỉ luôn phụ giúp việc cho mẹ mình. Trong một lần, khi đang phụ mẹ lấy nước ở giếng, người em vô tình bị ngã xuống giếng sâu và gặp được bà Tiên hoá thân trong hình hài một bà lão. Tính tính của cô em út vốn dĩ rất ngoan ngoãn và lễ phép nên khi rơi xuống giếng, cô đã giúp đỡ bà Tiên làm các công việc nhà và phục vụ bà Tiên rất chu đáo. Một ngày kia, cô em xin bà cho về vì cô đã rất nhớ nhà và bà đã đồng ý. Lập tức cô em thấy mình đã đứng trên bờ giếng, khắp người cô đeo đầy những trang sức bằng vàng. Khi thấy cô em trở về, cô chị ghen tức và bèn chạy ra giếng rồi nhảy ngay xuống. Nào ngờ, bản tính lười biếng chỉ mới phục vụ bà Tiên được một ngày đã đòi bỏ đi vì quá mệt. Bà Tiên cho cô về, nhưng khi đến nhà, cô chị thấy trên mình không có vàng bạc mà chỉ trát đầy một thứ hồ dính đặc quánh không có cách nào lột ra được. Đó chính là sự trừng phạt mà bà Tiên dành cho cô chị lười biếng.

Hình ảnh bà Tiên xuất hiện trong truyện “Cô bé Lọ Lem” là một hình ảnh hoàn toàn khác, nhìn từ xa bà chỉ nhỏ như một đốm sáng lấp lánh có thể di chuyển trong không gian. Nhưng khi lại gần trông bà thật hồng hào, phúc hậu. Bà đội một chiếc vương miện nhỏ gắn những viên kim cương óng ánh. Sức mạnh huyền diệu của bà chính là cây đũa thần, nhờ cây đũa thần kỳ đó mà nàng Lọ Lem xinh đẹp có mọi thứ để được đi dạ hội. Khi bà nghe tiếng khóc của Lọ Lem, bà đã cưỡi đám mây hồng đến và hỏi vì sao cô bé lại khóc. Rồi bà nhẹ nhàng vung đũa thần và hô “ướm ba la”. Hai anh chuột đang ăn vụng gần đó bỗng nhiên biến thành hai con bạch mã. Kỳ lạ hơn là quả bí đỏ lại biến thành cỗ xe lộng lẫy và anh mèo đang ngây ngơ bỗng nhiên biến mất và hiện ra thành những người lái xe ngựa.

Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng quần áo Lọ Lem lại rách rưới, bà Tiên lại giơ đũa thần lên xoay người nhẹ nhàng biến thành một làn bụi hào quang. Tức thì, bộ quần áo rách rưới kia lại biến thành một chiếc váy công chúa cực kỳ xinh đẹp, lộng lẫy còn đôi giày cao gót làm bằng thuỷ tinh, trong suốt. Sau đó bà dặn dò Lọ Lem nhớ phải về trước 12 giờ đêm. Nhờ có sự giúp đỡ của bà Tiên mà cô nàng Lọ Lem xinh đẹp nhưng số phận đáng thương kia được hạnh phúc bên hoàng tử. Còn hai mẹ con mụ dì ghẻ độc ác bị bà Tiên trừng phạt bắt cách biến hai mẹ con mụ ta thành hai con cóc và đày họ đến miền hẻo lánh. Khi xong việc, bà lại vui mừng đi đến tham gia đám cưới của Lọ Lem và hoàng tử.

Tuy hình ảnh của bà Tiên xuất hiện khác nhau trong các câu chuyện cổ tích nhưng chung quy lại sự xuất hiện của bà chính là bà có tấm lòng tốt bụng, nhân hậu luôn luôn yêu thương, che chở, đùm bọc giúp đỡ cho những người hiền lành nhưng lại có cuộc sống bất hạnh. Bà Tiên sẽ không thường xuyên xuất hiện, bà chỉ âm thầm theo dõi quan tâm mọi chuyện trong dân gian và xuất hiện kịp thời để giúp đỡ những người sống tốt bụng. Còn với kẻ ác thì hành động của bà Tiên sẽ rất mạnh mẽ, quyết liệt ra tay phạt nặng. Bà Tiên cũng như ông Bụt luôn biến mất ngay sau khi hoàn thành xứ mệnh ban phép lạ giúp đỡ những con người lương thiện đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhân vật bà Tiên được xây dựng hoàn hảo từ hình dáng cho đến việc làm và tính cách, vì vậy mà chiếm được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc, đặc biệt là trẻ em. Bởi mỗi khi bà Tiên xuất hiện, bầu trời bừng sáng, nước mắt người đau khổ lại được lau sạch, thay vào đó sẽ là niềm hạnh phúc và niềm vui được trao cho, cỏ cây nở hoa, chim cất tiếng hót.

Xem thêm:

  • Top 10 truyện cổ tích hay và ý nghĩa mẹ nên kể cho bé
  • Những câu chuyện cổ tích hay ý nghĩa về loài vật dành cho bé

Related Posts